Bối cảnh Trận_Hồng_Cúm

Pháp

Cụm cứ điểm này được Pháp đặt tên là Isabelle, gồm ba đồn đóng liền nhau là đồn A ở bờ bắc sông Nậm Rốm, đồn B và C ở bờ nam, cạnh đấy có một sân bay chạy dài theo đường 41.

Mục đích của Pháp khi lập ra cụm cứ điểm này là để làm cho Mường Thanh không bị trơ trọi, để hai cụm cứ điểm có thể che chở, yểm hộ cho nhau bằng pháo binh, xe tăng và cả bộ binh. Với cách chiếm đóng đó, Mường Thanh ở vào giữa, phía bắc có một phân khu gồm các vị trí kiên cố như Him Lam, đồi Độc Lập, Bản Kéo, và phía nam có phân khu Hồng Cúm, quân Pháp có thể khống chế toàn bộ lòng chảo Điện Biên Phủ, bảo đảm cho quân đội cơ động và chi viện lẫn nhau trong tấn công cũng như trong phòng ngự.

Dùng Hồng Cúm bám chặt con đường 41, Pháp còn mong tiến tới mở rộng phạm vi chiếm đóng, nối liền tuyến Điện Biên Phủ với Mường Khoa và Phông-xa-lỳ dọc sông Nậm U trên đất Thượng Lào, khiến cho "con nhím" Điện Biên Phủ bớt chơ vơ giữa núi rừng Tây Bắc. Đây cũng là nơi tiếp nhận quân tăng viện và đồ tiếp viện từ Hà Nội trong trường hợp sân bay Mường Thanh bị uy hiếp. Khi tập đoàn cứ điểm có nguy cơ bị tiêu diệt thì nó là cái "cửa sau" mở đường chạy sang Thượng Lào cũng như đón quân từ Lào sang ứng cứu.

Quân Pháp tại đây do Trung tá (sau thăng Đại tá) André Lalande (La-lăng-đơ) chỉ huy, gồm hai tiểu đoàn Âu Phi là tiểu đoàn III/3e REI (Tiểu đoàn 3 thuộc trung đoàn bộ binh lê dương số 3), tiểu đoàn II/1er RTA (tiểu đoàn 2 thuộc trung đoàn bộ binh Algérie số 1)', 2 đại đội phụ lực quân người Thái trắng, một tiểu đoàn pháo 105 ly, 1 đại đội súng cối 120mm và một trung đội xe tăng. Phân khu gồm năm cứ điểm nằm trên địa hình bằng phẳng, được đánh số từ 1 đến 5. Các cứ điểm 1, 2, 3, 4 đều ở phía tây đường 41 liên kết khá chặt chẽ với nhau bằng một hệ thống giao thông hào và chiến hào. Riêng cứ điểm số 5 bảo vệ phía nam sân bay Hồng Cúm, nằm hơi đột xuất về phía đông đường 41. Việt Nam thì chia phân khu Hồng Cúm làm ba khu A, B, C. Các khu A, B gồm những cứ điểm ở tây đường 41. Khu C nằm ở phía đông đường 41 cùng với sở chỉ huy phân khu và pháo binh.

Về cơ bản, Pháp bố trí như vậy là để phát huy uy lực của pháo binh (105mm và 155mm, với tầm bắn hiệu quả là khoảng 4 đến 8 km). Đây là cách bố trí cổ điển, phần lớn các hệ thống phòng thủ đều tuân theo cách này. Theo đó pháo ở Hồng Cúm sẽ yểm hộ Mường Thanh và ngược lại. Bố trí thì Hồng Cúm có 8 khẩu 105mm, Mường Thanh 12 khẩu 105mm và 4 khẩu 155mm; sau có tăng cường. Tổng quân số ở Hồng Cúm là khoảng hơn 2.000 người.

Quân đội Nhân dân Việt Nam

Hồng Cúm bao bọc tứ bề là ruộng, từ rìa lòng chảo vào là khoảng 3 đến 4 km, triển khai bộ đội không dễ dàng như với Mường Thanh và phân khu bắc. Đây là điểm bất lợi cho Quân đội Nhân dân Việt Nam và cũng là điểm lợi thế cho 16 khẩu pháo lớn và 16 khẩu cối 120mm (ở Mường Thanh), hoả lực máy bay và đám xe tăng của Pháp.

Bộ chỉ huy chiến dịch Quân đội Nhân dân Việt Nam nhận định:

  • Hồng Cúm ở xa phía nam lòng chảo, nếu tập trung mạnh tại Hồng Cúm, đánh xong sẽ phải triển khai lại hoàn toàn để đánh Mường Thanh, đây là điểm bất lợi.
  • Để đánh Hồng Cúm, tức là hậu cần phải đi vòng qua Mường Thanh, khó có thể bảo đảm sự an toàn cho tuyến hậu cần khi mà đối với Mường Thanh chỉ đánh kiềm chế.

Do vậy, Kế hoạch tác chiến là bao vây Hồng Cúm, tiêu diệt Mường Thanh. Trung đoàn 57 của Đại đoàn 304, được tăng cường một tiểu đoàn của Đại đoàn 316, có nhiệm vụ xây dựng một trận địa hình cánh cung, chạy từ đông sang tây, cắt rời phân khu Hồng Cúm khỏi khu trung tâm Mường Thanh.

Tại mặt trận Hồng Cúm, tuy không phải là tâm điểm của cuộc chiến song lại chiếm giữ một vị trí khá quan trọng. Nếu ban đầu, Hồng Cúm chỉ là một cứ điểm, nay đã phình to ra thành cụm cứ điểm, cũng có đủ sân bay, pháo binh, có thể cùng Mường Thanh yểm hộ lẫn nhau. Vì thế, trong bàn cờ Điện Biên Phủ, mặt trận phía Nam không chỉ ở thế phải kiềm chế, cô lập, ngăn không cho Pháp viện trợ tới Hồng Cúm mà còn phải từng bước thọc sâu, phá rào mở cửa tấn công cứ điểm, tiến vào trung tâm phân khu Hồng Cúm.

Làm nhiệm vụ ấy, QĐNDVN có lợi thế là ở trên cao đánh địch ở dưới thấp, ở quanh núi vây địch giữa thung lũng, dùng núi khống chế đồng bằng, khiến địch ở vào thế hết sức bất lợi. Chỗ mạnh của Pháp là đã xây dựng xong tập đoàn cứ điểm dựa lưng vào nhau, có bãi dây kẽm gaimìn dày từ 50 đến 70 mét, đã tổ chức lưới lửa đạn dày đặc và chặt chẽ, có pháo binh mạnh yểm hộ (ngoài một tiểu đoàn pháo tại chỗ, còn có pháo ở Mường Thanh bắn chi viện), lại có xe tăng vận động dễ dàng dọc đường 41. Muốn cắt đứt Hồng Cúm ra khỏi Mường Thanh, QĐNDVN phải quần nhau với địch giữa cánh đồng bằng phẳng dưới tầm hoả pháo dày đặc và các loại máy bay chiến đấu của Pháp giữa ban ngày, trong khi về thực lực thì chẳng những kém Pháp về trang bị vũ khí, mà về quân số cũng không có ưu thế.

Liên quan